Phản chiếu iPhone: Sử dụng iPhone trên máy Mac
Với tính năng Phản chiếu iPhone, bạn có thể tương tác không dây với iPhone cũng như các ứng dụng và thông báo của iPhone trên máy Mac. iPhone của bạn vẫn khóa, nên không ai khác có thể truy cập hoặc sử dụng iPhone để xem bạn đang làm gì.
Bắt đầu hoặc dừng Phản chiếu iPhone
Tương tác với iPhone bằng tính năng Phản chiếu iPhone
Di chuyển hoặc thay đổi kích cỡ cửa sổ Phản chiếu iPhone
Sao chép nội dung giữa các thiết bị
Thay đổi cài đặt Phản chiếu iPhone
Chuẩn bị
Đảm bảo rằng máy Mac và iPhone đáp ứng các yêu cầu hệ thống đối với tính năng Phản chiếu iPhone bên dưới, bao gồm cả yêu cầu máy Mac và iPhone được đăng nhập vào cùng một Tài khoản Apple, đồng thời iPhone được khóa và ở gần máy Mac.
Để chỉ xem màn hình iPhone hoặc video truyền phát trên thiết bị tương thích với AirPlay, bạn có thể sử dụng AirPlay.
Bắt đầu hoặc dừng Phản chiếu iPhone
Bấm vào ứng dụng Phản chiếu iPhone trong Dock hoặc mở ứng dụng này từ thư mục Ứng dụng hoặc Launchpad. Ứng dụng này đi kèm với macOS Sequoia 15 trở lên.
Nếu máy Mac yêu cầu bạn mở khóa iPhone, hãy nhập mật mã trên iPhone của bạn.
Nếu máy Mac hỏi bạn có cho phép hiển thị thông báo của iPhone hay không, bấm vào Cho phép hoặc Không cho phép. Bạn có thể thay đổi cài đặt này sau, trong phần cài đặt Thông báo trên máy Mac.
Nếu máy Mac hỏi có yêu cầu đăng nhập máy Mac để truy cập iPhone hay không, hãy chọn hỏi mỗi lần hoặc tự động xác thực. Bạn có thể thay đổi cài đặt này sau, trong phần cài đặt Phản chiếu iPhone trên máy Mac.
Khi ứng dụng Phản chiếu iPhone hiển thị màn hình iPhone, thì ứng dụng đã được kết nối với iPhone của bạn. Lúc này, bạn có thể tương tác với iPhone từ cửa sổ Phản chiếu iPhone.
Để dừng phản chiếu iPhone, hãy thoát ứng dụng Phản chiếu iPhone hoặc mở khóa iPhone.
Nếu ở gần bạn có nhiều iPhone đã đăng nhập vào Tài khoản Apple của bạn, thì bạn có thể dùng cài đặt Phản chiếu iPhone để chọn một chiếc iPhone mà máy Mac sẽ phản chiếu và nhận thông báo.
Quyền riêng tư & bảo mật: Tính năng Phản chiếu iPhone sẽ tự động tạm dừng kết nối sau khi bạn không hoạt động một thời gian. Trong khi phản chiếu, iPhone sẽ hiển thị thông báo rằng iPhone đang được sử dụng và cho biết về máy Mac đang sử dụng iPhone. Khi được mở khóa sau khi phản chiếu, màn hình iPhone sẽ hiển thị thông báo rằng iPhone đã được sử dụng từ máy Mac, kèm theo liên kết đến phần Cài đặt > Cài đặt chung > AirPlay & Thông suốt > Phản chiếu iPhone, trong đó cho biết máy về Mac đã sử dụng iPhone, bao gồm cả thời điểm và khoảng thời gian sử dụng.
Tương tác với iPhone bằng tính năng Phản chiếu iPhone
Chạm, vuốt và nhập văn bản | Sử dụng chuột hoặc bàn di chuột của máy Mac để bấm vào bất kỳ đâu bạn muốn chạm vào trên iPhone. Hoặc bấm và giữ vào bất kỳ đâu bạn muốn chạm và giữ, chẳng hạn như để chỉnh sửa Màn hình chính hoặc mở menu tác vụ nhanh. Bạn cũng có thể cuộn và vuốt bằng chuột hoặc bàn di chuột, cũng như sử dụng bàn phím của máy Mac để nhập văn bản và sử dụng phím tắt. Ngoài ra, nếu bạn muốn sử dụng tay cầm chơi game không dây với các ứng dụng iPhone hỗ trợ sản phẩm này, hãy sử dụng Bluetooth để kết nối tay cầm chơi game với iPhone, chứ không phải với máy Mac. |
Đi đến Màn hình chính | Di chuyển con trỏ lên đầu cửa sổ Phản chiếu iPhone, sau đó bấm vào ở góc trên bên phải.Hoặc bấm vào thanh ở cuối cửa sổ Phản chiếu iPhone. Hoặc nhấn Command–1 trên bàn phím. |
Mở Bộ chuyển đổi ứng dụng | Di chuyển con trỏ lên đầu cửa sổ Phản chiếu iPhone, sau đó bấm vào ở góc trên bên phải.Hoặc nhấn Command–2 trên bàn phím. |
Mở Spotlight | Sử dụng chuột hoặc bàn di chuột để cuộn hoặc vuốt từ Màn hình chính lên trên. Hoặc nhấn Command–3 trên bàn phím. |
Phát âm thanh hoặc video | Âm thanh của iPhone sẽ phát qua máy Mac và máy Mac điều khiển âm lượng. Video của iPhone phát trong cửa sổ Phản chiếu iPhone. Nhà cung cấp nội dung giải trí trực tuyến có thể áp dụng các chính sách hạn chế việc phát, tác động đến việc có thể phản chiếu nội dung video trả phí của họ hay không. |
Quyền truy cập camera và micrô của iPhone không áp dụng trong ứng dụng Phản chiếu iPhone, bao gồm cả Face ID hoặc cuộc gọi điện thoại. Thay vào đó, bạn có thể gọi và nhận cuộc gọi điện thoại trên máy Mac.
Di chuyển hoặc thay đổi kích cỡ cửa sổ Phản chiếu iPhone
Để chỉnh lại vị trí cửa sổ Phản chiếu iPhone trong khi phản chiếu, hãy di chuyển con trỏ lên đầu cửa sổ, sau đó kéo cửa sổ bằng thanh công cụ vừa xuất hiện.
Để thay đổi kích cỡ của cửa sổ Phản chiếu iPhone trong khi phản chiếu, hãy sử dụng menu Xem trong thanh menu Phản chiếu iPhone:
Chọn Lớn hơn hoặc nhấn Command–Dấu cộng (+).
Chọn Kích cỡ thực hoặc nhấn Command–0.
Chọn Nhỏ hơn hoặc nhấn Command–Dấu trừ (–).
Tính năng Phản chiếu iPhone sẽ tự động chuyển qua, chuyển lại chế độ xem ngang theo yêu cầu của ứng dụng bạn đang dùng.
Quản lý thông báo của iPhone
Sau khi tính năng Phản chiếu iPhone kết nối máy Mac với iPhone, máy Mac sẽ tự động nhận thông báo từ iPhone. Máy Mac sẽ nhận được thông báo cho dù bạn có đang sử dụng tính năng Phản chiếu iPhone hay iPhone của bạn có ở gần hay không, miễn là iPhone đang bật. Bạn có thể quản lý các thông báo này từ một trong hai thiết bị.
Quản lý thông báo của iPhone trên máy Mac
Sao chép nội dung giữa các thiết bị
Nếu máy Mac đang dùng macOS Sequoia 15.1 trở lên và iPhone đang dùng iOS 18.1 trở lên, thì bạn có thể kéo và thả các mục như tài liệu, ảnh và video giữa các thiết bị của mình. Ví dụ: Kéo video từ ứng dụng Ảnh trên iPhone sang màn hình trên máy Mac hoặc kéo ảnh từ Safari trên máy Mac sang một cuộc trò chuyện trong ứng dụng Tin nhắn hoặc Mail trên iPhone. Bạn cũng có thể kéo các tệp sang và từ iCloud Drive trên máy Mac, hoặc sang và từ ứng dụng Tệp trên iPhone.
Hoặc dùng Bảng nhớ tạm chung hoặc AirDrop để sao chép nội dung giữa các thiết bị.
Thay đổi cài đặt Phản chiếu iPhone
Mở ứng dụng Phản chiếu iPhone trên máy Mac, rồi chọn Phản chiếu iPhone > Cài đặt từ thanh menu ở đầu màn hình. Chọn trong số các tùy chọn sau:
Hỏi mỗi lần: Ứng dụng Phản chiếu iPhone luôn yêu cầu bạn xác thực trước khi phản chiếu. Xác thực bằng mật khẩu đăng nhập máy Mac, sử dụng Touch ID trên máy Mac hoặc sử dụng Apple Watch.
Tự động xác thực: Sau khi nhập mật khẩu đăng nhập máy Mac để chọn chế độ cài đặt này, bạn sẽ không thấy yêu cầu xác thực trước khi phản chiếu nữa. Trong khi cài đặt này được chọn, tùy chọn "Yêu cầu mật khẩu sau khi trình bảo vệ màn hình bắt đầu hoặc màn hình bị tắt" trong phần cài đặt Màn hình khóa vẫn được đặt thành Ngay lập tức.
Thu hồi quyền truy cập vào [tên của iPhone]: Đặt lại quá trình thiết lập ứng dụng Phản chiếu iPhone cho iPhone này và xóa mục "Cho phép thông báo từ iPhone" trong phần cài đặt Thông báo trên máy Mac. Để phản chiếu iPhone và nhận lại thông báo của iPhone, hãy thiết lập ứng dụng Phản chiếu iPhone.
Chọn iPhone mà máy Mac sẽ dùng
Nếu ở gần bạn có nhiều iPhone đã đăng nhập vào Tài khoản Apple của bạn, thì bạn có thể chọn một chiếc iPhone mà máy Mac sẽ phản chiếu và nhận thông báo:
Chọn menu Apple > Cài đặt hệ thống rồi bấm vào mục Màn hình nền & Dock trong thanh bên.
Chọn iPhone của bạn trong menu iPhone bật lên ở bên phải. Menu này xuất hiện ngay bên dưới cài đặt "Sử dụng tiện ích của iPhone". Menu này chỉ xuất hiện khi máy Mac phát hiện ở gần đó có nhiều iPhone có thể dùng để phản chiếu.
Yêu cầu hệ thống đối với tính năng Phản chiếu iPhone
Mỗi lần, bạn chỉ có thể sử dụng tính năng Phản chiếu iPhone với một máy Mac và một iPhone. Thiết bị của bạn phải đáp ứng các yêu cầu sau.
Máy tính của bạn là máy Mac dùng chip Apple silicon hoặc máy Mac dùng Chip bảo mật Apple T2 và đang sử dụng macOS Sequoia 15 trở lên.
iPhone của bạn sử dụng iOS 18 trở lên.
iPhone và máy Mac của bạn đăng nhập vào cùng một Tài khoản Apple bằng phương thức xác thực hai yếu tố.
iPhone và máy Mac đã bật Bluetooth và Wi-Fi.
iPhone được khóa và ở gần máy Mac. Thiết bị cũng có thể sạc và sử dụng chế độ Chờ.
iPhone không chia sẻ kết nối mạng di động (không sử dụng Điểm truy cập cá nhân).
Máy Mac không chia sẻ kết nối Internet hay sử dụng AirPlay hoặc Sidecar.
Nếu bạn cần trợ giúp
Nếu ứng dụng Phản chiếu iPhone không tìm thấy iPhone, không kết nối được hoặc kết nối bị gián đoạn hay hết thời gian chờ, hãy làm theo bất kỳ hướng dẫn nào hiển thị trong cửa sổ Phản chiếu iPhone. Nếu cần, hãy thử thực hiện thêm các bước sau.
Hãy đảm bảo rằng thiết bị của bạn đáp ứng Yêu cầu hệ thống đối với ứng dụng Phản chiếu iPhone và rằng ứng dụng Phản chiếu iPhone có ở quốc gia hoặc khu vực của bạn. Ứng dụng Phản chiếu iPhone hiện chưa có ở Liên minh châu Âu.
Cài đặt bản cập nhật phần mềm mới nhất cho máy Mac và bản cập nhật phần mềm mới nhất cho iPhone.
Khởi động lại máy Mac và iPhone.
Nếu một trong hai thiết bị đang sử dụng Bluetooth hoặc Wi-Fi với cường độ cao cho mục đích khác, chẳng hạn như để truyền phát âm thanh hoặc video sang thiết bị khác, hãy ngừng sử dụng và thử lại. Bạn cũng có thể kiểm tra nhiễu không dây.
Kiểm tra VPN và phần mềm bảo mật khác của bên thứ ba trên cả hai thiết bị. Tương tự, bạn không nên cài đặt cho tường lửa trên máy Mac chặn tất cả các kết nối đến.
Thu hồi quyền truy cập vào iPhone của bạn trong phần cài đặt Phản chiếu iPhone rồi thiết lập lại ứng dụng Phản chiếu iPhone.
Nếu các giải pháp khác không hiệu quả, hãy đăng xuất khỏi Tài khoản Apple trên từng thiết bị, khởi động lại rồi đăng nhập lại.